ANTĐ – Giá kệ bày hàng hóa gọn gàng tạo sự thuận tiện và nhanh chóng là ưu điểm vượt trội của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini so với các đại siêu thị, trung tâm thương mại hay chợ, cửa hàng tạp hóa truyền thống. Dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielson cho biết, trong tương lai, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini sẽ dẫn dắt kênh bán lẻ hiện đại.
Không gian mát mẻ, sạch sẽ, dịch vụ đa dạng, thân thiện khiến cửa hàng tiện lợi hút khách
Trỗi dậy mạnh mẽ
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hệ thống cửa hàng tiện lợi G7-mart của Trung Nguyên đã xuất hiện gần 10 năm trước nhưng không thành công bởi khi đó, người dân chưa đặt sự tiện lợi lên hàng đầu, mà giá cả mới là yếu tố quyết định. Giá hàng hóa ở cửa hàng tiện lợi cao hơn nhiều so với siêu thị và chợ truyền thống. Nhưng đến nay, chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đổ bộ trở lại. Đây là trào lưu của thế giới và thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đang có xu hướng này.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh – Giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam, tại TP.HCM, số lượng cửa hàng tiện lợi tăng nhanh chóng, trong khi đó tại Hà Nội, siêu thị mini lại nhiều hơn. Nielsen đã nghiên cứu thị trường và chỉ ra, có nhiều lý do để cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini phát triển như: thu nhập của người dân tăng nên khi mua sắm họ đòi hỏi sản phẩm phải sáng tạo hơn, mới mẻ hơn, đa dạng, tiện ích hơn, có thể ăn uống ở mọi lúc, mọi nơi.
Thêm vào đó, quy mô gia đình giảm dần, từ đại gia đình nhiều thế hệ sẽ chuyển sang gia đình ít thế hệ, thậm chí sống độc thân. Điều này làm nhu cầu dự trữ thức ăn giảm, mua sản phẩm tiện dụng nhiều hơn, không cần bao bì lớn, mua hàng ngay trong tòa nhà nơi làm việc hay nơi ở… Cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang có những ưu thế này.
Điểm trừ lớn nhất của cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là giá cả cao hơn đại siêu thị cũng như chợ truyền thống. “Trong tương lai, khi các chuỗi cửa hàng tiện lợi và hệ thống siêu thị mini dày hơn, để cạnh tranh, họ bắt buộc phải giảm giá sản phẩm” – bà Nguyễn Hương Quỳnh cho hay.
Nhà bán lẻ nội lo lắng
Cũng theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, dự báo, mô hình bán lẻ hiện đại này sắp tới sẽ vượt khỏi phạm vi 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Dường như, các nhà bán lẻ ngoại đang nắm bắt xu hướng này khá tốt, nhanh chóng mở rộng mạng lưới, trong khi đó, các nhà bán lẻ nội vẫn chậm nhập cuộc.
Ông Phạm Hữu Thìn (Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công thương) cho hay, nếu cho doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt đầu tư để hình thành chuỗi cửa hàng tiện lợi thì buôn bán truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ trong nước sẽ đóng cửa hàng loạt. Bộ Công Thương đang nghiên cứu để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tạo ra chuỗi cửa hàng tiện lợi có đủ sức
cạnh tranh”.
Trước thực trạng này, nhà bán lẻ nội tỏ ra lo lắng. Theo đại diện siêu thị Intimex, nhà đầu tư nước ngoài làm hiệu quả vì chi phí thấp, quản trị tốt. Trong khi đó, cửa hàng tiện lợi trữ được rất ít hàng, phải giao hàng liên tục để đảm bảo tươi sống, đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ đa dạng trong một diện tích hẹp… do đó rất khó để doanh nghiệp nội thành công.
Nguồn: anninhthudo.vn